Cùng được đi bồi dưỡng nhạc nhẹ ở Ba Lan với NSƯT Mạnh Hà, NSƯT Vũ Dậu, nhưng riêng nghệ sĩ Lệ Quyên với phong cách bốc lửa của một giọng hát nhiệt tình đầy phong cách nhạc nhẹ đã thực sự trở thành một giọng ca nổi bật. Dường như bao giờ, nghệ sĩ Lệ Quyên cũng là “điểm chốt” của chương trình.

Ba nhăm năm trước, khi Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ vừa thành lập nằm trong Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam, nhạc nhẹ vẫn còn manh mún ở miền Bắc, sau Nghệ sĩ Ái Vân, tháng 10/1981 nghệ sĩ Lệ Quyên- ca sĩ của Đoàn đã đoạt Giải Tài năng tại Cuộc thi Tài năng trẻ Quốc Tế tổ chức ở Tiệp Khắc với ca khúc “Hơi thở mùa xuân” của nhạc sĩ Dương Thụ đã thành niềm khích lệ cho hoạt động nhạc nhẹ còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Vào thời điểm đó, giọng hát Nghệ sĩ Lệ Quyên đã làm cho những “Mùa xuân gọi” (Trần Tiến), “Hoa sữa” (Hồng Đăng) vang lên khỏe khoắn và tươi trẻ, đánh dấu cho một thời kỳ mới trong sáng tạo ca khúc. Nhất là với “Hơi thở mùa xuân”, khi hát “Cho anh khát khao, khát khao em khi mùa xuân về” thì đã là một điều gì đó bứt phá, gần hơn, đời hơn mà chưa dễ gì được chấp nhận. Vậy mà nghệ sĩ Lệ Quyên đã nhất định mang đi “Hơi thở mùa xuân” mặc dù Liên hoan không bắt buộc các ca sĩ phải hát các ca khúc của nước mình mà chỉ cần hát những ca khúc mình thích. Hát sau tiếng hoan hô rầm trời của một Ca sĩ người Mỹ nổi tiếng, nghệ sĩ Lệ Quyên không tránh khỏi hồi hộp. Nhưng khi giọng hát nghệ sĩ Lệ Quyên lắng lại, thì tiếng hoan hô đã dậy tràn khiến Nghệ sĩ Lệ Quyên cảm động quá phải chạy vào khóc trong cánh gà. Chị khóc vừa vì giọng hát của mình được đón nhận và vừa vì vui mừng khi thế giới đã đón nhận được ca khúc Việt Nam mà không hề hiểu lời ca. Giai điệu “Hơi thở mùa xuân” qua giọng hát nghệ sĩ Lệ Quyên đã bay ra thế giới.

Cùng được đi bồi dưỡng nhạc nhẹ ở Ba Lan với NSƯT Mạnh Hà, NSƯT Vũ Dậu, nhưng riêng nghệ sĩ Lệ Quyên với phong cách bốc lửa của một giọng hát nhiệt tình đầy phong cách nhạc nhẹ đã thực sự trở thành một giọng ca nổi bật. Dường như bao giờ, nghệ sĩ Lệ Quyên cũng là “điểm chốt” của chương trình. Cũng là con nhà nòi một nghệ sĩ Cải lương như gia đình Nghệ sĩ Ái Vân, Nghệ sĩ Lệ Quyên với lợi thế âm vực rộng, nhả chữ gọn và còn khá đắc địa với những xử lý cần nền, nay đã để lại một ấn tượng nhạc nhẹ suốt thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

Cũng may cho sàn diễn ca nhạc nhẹ miền Bắc, lúc ấy có hai gương mặt nhạc nhẹ sáng láng nhất là Nghệ sĩ Ái Vân và Nghệ sĩ Lệ Quyên. Sự ra đi của họ đầu thập kỷ 90 đã để lại một khoảng trống trải và phải một thời gian sau thì Thanh lam, Hồng Nhung mới lấp đầy nổi.

Năm 2004, Nghệ sĩ Lệ Quyên có trở về và diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Giọng hát tuy không còn như xưa nhưng vẫn còn những bài, những chỗ đầy uy lực trở lại của một “Ngôi sao nhạc nhẹ”. Những tâm sự một thời gửi vào ngỡ ngàng cùng “Hoa sữa” (Hồng Đăng). Những nổi trôi, bồi hồi khi trở về Hà Nội được thốt lên trong “Lãng đãng chiều đông Hà Nội” (Phú Quang). Những bay bổng, thoát tục được dâng trào với “Trên đỉnh Phù Vân” (Phó Đức Phương). “Họa mi hót trong mưa” là ca khúc Dương Thu viết tặng cho nghệ sĩ Lệ Quyên đã được chị hát mộc mạc và chân thành đến không ngờ. Chất lửa trong giọng hát nghệ sĩ Lệ Quyên của nhiều năm trước vẫn hừng hực cháy ngỡ quên tuổi tác.

(Nhà báo Đắc Lộc)

 

NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM
Trụ sở 1 :
Địa chỉ : 58 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội.
 
Điện thoại : 04 3823 2369 - Hotline : 096.392.3131
 
Trụ sở 2 :
Địa chỉ : 16 Lê Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
 
Điện thoại : 04 3938 1173 - Hotline : 0972 030 420