Nhập vào thế giới nhạc nhẹ từ năm 1979, NSND Trần Bình như bị “phải lòng”, bị si mê không cách nào thoát khỏi. Anh lao vào biểu diễn và tổ chức các show diễn với sự cuồng si và đam mê dữ dội. Cuộc lột xác từ một diễn viên thuần khiết để trở thành “siêu bầu” lo toan côi cút cho mọi diễn viên, đó là cuộc nhập thế mãnh liệt bởi lòng si mê nhạc nhẹ.

Có lẽ bước ngoặt quan trọng nhất của cuộc đời “chàng Thạch Sanh” NSND Trần Bình là việc từ một diễn viên múa dân tộc và hiện đại thành đạt qua nhiều tác phẩm như: “Người đi sắn đất Phong châu’ (1976), “Kỷ niệm Trường Sơn” (1980), “Người đi săn và chim công” (1981, 1982), “Điệu nhảy Vasilo” (1980), “Bài thơ tình yêu” (1983), “Em cần có anh” (1990), “Rock Phương Nam” (1992), “Hơi thở tình yêu” (1993)… đã đạt Huy chương Vàng: tại CHDC Đức (1976); Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc (1980) và Giải nhì tại Cuộc thi Múa ít người Toàn quốc (1981), đã trở thành Lãnh đạo Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ cùng lúc Anh giành được vinh quang nói trên. Đúng là “Thời thế tạo anh hùng”. “Chàng Thạch Sanh” NSND Trần Bình tự nhiên thay đổi “tiếng đàn tích tịch tình tang” và nghề múa cổ điển thành tiếng đàn điện tử với tiết tấu trẻ trung cùng những vũ điệu dân tộc hiện đại.

Nhập vào thế giới nhạc nhẹ từ năm 1979, NSND Trần Bình như bị “phải lòng”, bị si mê không cách nào thoát khỏi. Anh lao vào biểu diễn và tổ chức các show diễn với sự cuồng si và đam mê dữ dội. Cuộc lột xác từ một diễn viên thuần khiết để trở thành “siêu bầu” lo toan côi cút cho mọi diễn viên, đó là cuộc nhập thế mãnh liệt bởi lòng si mê nhạc nhẹ. Những vất vả tuổi thơ, sớm tự lập ở đời vì mồ côi cả bố lẫn mẹ. Năm 1966, Anh đã đầu quân về Nhà hát Kịch ca múa Thiếu nhi, vừa học, vừa tập luyện, vừa biểu diễn. Sau những tối diễn tại Nhà hát Lớn, đến đêm và những ngày nghỉ Anh lại đi kéo mì sợi thuê cho các cửa hàng ăn, đánh véc ni mắc áo, vớt nứa ở Bến Phà Đen để kiếm sống, bù đắp thêm vào số lượng ít ỏi mà Nhà hát trả hàng tháng. Cả những thấm thía đến hoa mắt vì đói khi lên sàn tập sáng thứ hai hàng tuần bởi “đứt bữa” từ chiều thứ bảy tuần trước, tạo cho Trần Bình một bản lĩnh để dám sống, dám si mê và dám dâng hiến. Năm 1971, Nhà hát kịch ca múa Thiếu nhi giải thể, Trần Bình là một trong hai Nghệ sỹ Múa được Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương mời về làm việc. Tháng 2/1979, Nhà hát Ca múa Nhạc thành lập trên cơ sở sát nhập 02 Đoàn: Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương và Đoàn ca nhạc dân tộc Trung ương. Nhà hát quyết định thành lập Đoàn Nhạc nhẹ, NSND Trần Bình là người đầu tiên của Đoàn Múa Nhà hát tình nguyện chuyển sang nhạc nhẹ.

Từ ngày bước chân vào nghề Múa (1966) cho đến lúc kết thúc biểu diễn vào tối 06/2/1996 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Anh và Nghệ sỹ múa Minh Hải vẫn giành được Bằng khen của Bộ Quốc phòng cho tiết mục múa đôi: “Kỷ niệm Trường Sơn”. Đam mê với nghề, cho đến hôm nay Anh không nghỉ một buổi tập, buổi diễn nào của Đoàn, kể cả những lúc ốm nặng, xuất huyết trên những nẻo đường phục vụ biểu diễn Sơn La, Lai Châu thuở nào. Với Anh được tập, được biểu diễn Múa là một hạnh phúc, một đam mê không dứt…nhưng cũng đến lúc phải chấp nhận từ bỏ một nghề được Đào tạo cơ bản và đã đăng quang vẻ vang, để chọn lấy một nghề mới hoàn toàn: Phải mày mò, tự học qua thực tế trường đời là nghề làm “bầu show nhạc nhẹ”, thì đấy là một quyết định gọi là dũng cảm cũng được, mà gọi là liều lĩnh cũng chẳng sai. Một quyết định chỉ có thể xảy ra bởi sự đam mê dữ dội.

Từ khi Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thành lập đến nay, NSND Trần Bình dường như gắn cùng nó mọi vui buồn, truân chuyên, thăng trầm cũng như với thời đổi mới của đất nước. Sau những chuyến hành hương Phương Nam hoặc lưu diễn ở nước ngoài, NSND Trần Bình mới “ngộ” ra rằng muốn tạo ra một sân chơi nhạc nhẹ ấn tượng cho khán giả thì sân chơi ấy phải có chủ đề, có mô hình, có cấu trúc. Chương trình Gala ra đời trở thành một đặc sản riêng biệt của Nhà hát vừa gặt hái trong doanh thu, vừa tôn vinh những tài năng nhạc nhẹ của đất nước. Gala gắn liền với tên tuổi NSND Trần Bình.

Sau khi trở thành Quyền Giám đốc Đoàn năm 1993 và Giám đốc Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương 1994 (Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam hiện nay), NSND Trần Bình đã vươn tới những chương trình có chủ đề, có sức thuyết phục thực chất chứ không “khua chiêng gõ mõ” như nhiều ông bầu khác. Dưới sự chỉ đạo đầy kinh nghiệm của Anh, Nhà hát đã “ghim” vào đời sống Ca múa nhạc thời đổi mới những cái tên như: “Thuở Trường Chinh”, “Những gương mặt Nhạc sỹ thế kỷ”, “Văn Cao- với Mùa xuân đầu tiên”, “Như cánh vạc bay”- Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Như một cánh chim”- Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sỹ Trần Hoàn, “Trở về”, “Còn lại với thời gian”, “Thoáng Quê Việt”… cùng những chương trình phục vụ đối ngoại: “Liên hoan Quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng” tại CHDCND Triều  Tiên năm 1987, 1993, tháng 4/2002 và tháng 4/2004; “Tuần Văn hóa Việt Nam và Ngày Việt Nam” tại Ôxtrâylia tháng 2/2002; Hàn Quốc tháng 9/2002; Nhật Bản tháng 9 & 12/2003; Hoa Kỳ 2005; 2007, 2009, 2015; Đông Âu tháng 8/2005; Trung Quốc tháng 9/1996 & 9/2005; CH Nam Phi tháng 11/2005; “Tuần Văn hóa ASEAN”  lần thứ nhất tổ chức tại Campuchia năm 2002; lần thứ 2 tổ chức tại Việt Nam tháng 8/2004…

Hơn 50 năm tuổi nghề, gần gấp đôi tuổi ba mươi của Nhà hát, “Chàng Thạch Sanh” NSND Trần Bình - người si mê nhạc nhẹ đã đóng góp một phần không nhỏ cho Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam nói riêng và nền nhạc nhẹ non trẻ của Việt Nam nói chung.

(Nhà báo An Nguyên)

          

 

NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM
Trụ sở 1 :
Địa chỉ : 58 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội.
 
Điện thoại : 04 3823 2369 - Hotline : 096.392.3131
 
Trụ sở 2 :
Địa chỉ : 16 Lê Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
 
Điện thoại : 04 3938 1173 - Hotline : 0972 030 420