Nhắc đến những thành công hôm nay không ai trong số các nghệ sĩ tên tuổi, những cây viết bình luận âm nhạc là không nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Lộc, nghệ sĩ Saxophon- Clarinet kiêm Trưởng Đoàn ca múa Nhạc nhẹ (tiền thân của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam), ngay từ ngày đầu thành lập (17/2/1979)

30 năm là bấy nhiêu gian khổ và vinh quang đã trải, đã vượt. Ngày ấy, Nhạc sĩ Trịnh Lộc vừa giữ vị trong trong dàn nhạc có quy mô nhỏ (3 kèn, 2 ooc-gan, 3 ghi-ta, 1 trống) khi biểu diễn vừa là người quản lý chịu trách nhiệm (từ A đến Z) cho Đoàn. Đó là những tháng năm nhiều thử thách và gian khổ. Vào Nam ra Bắc, đối diện và làm phong phú thêm những sinh hoạt nghệ thuật của vùng đất vừa giải phóng, khẳng định phong cách nghệ thuật giàu thẩm mỹ của đội ngũ nghệ sĩ cách mạng Đoàn ca múa Nhạc nhẹ Trung ương do nhạc sĩ Trịnh Lộc lãnh đạo đã diễn thành công rất nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, đem lại tiếng vang và ghi một dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Từ xây dựng chương trình, xây dựng đội ngũ, tiếp tục tu nghiệp diễn viên đến động viên và chăm lo đời sống nghệ sĩ, Nhạc sĩ Trịnh Lộc đã cùng Ban lãnh đạo đem lại cho Đoàn một thành quả mới rất đáng cảm động. Đoàn tập hợp được những gương mặt sáng giá như ca sĩ: Vũ Dậu, Trần Hiếu, Aí Vân; Quang Thọ, Quang Huy, Thanh Hòa, Lệ Quyên, các nhạc công: Xuân Thịnh, Anh Tuấn, Đỗ Nhự, Văn Chính, Bùi Phú, Văn Phú và các nghệ sĩ múa: Trần Bình, Anh Nghiêm, Nguyệt Ánh, Thanh Điệp, Tuyết Mai.

Lúc đầu chỉ là một ca sĩ trong Dàn hợp xướng nhưng với khả năng nhạy cảm nhiều thiên phú của mình Nhạc sĩ Trịnh Lộc với sự động viên khích lệ của NSND Song Kim, của NS Clarinet Trịnh Kính đã phấn đấu trở thành nghệ sĩ saxophon, một clarinet không thể thiếu trong Dàn nhạc.

8 năm làm Trưởng đoàn, cũng là những năm Đoàn có nhiều buổi biểu diễn nhất trong số những Đoàn ca nhạc của các tỉnh phía Bắc thời bấy giờ. Đó là thời gian làm nên những kỷ niệm khó quên. Một trong số đó là chuyến đi xuyên Việt trên chiếc xe Hải Âu: đi ngày đi đêm hơn 20 diễn viên nổi tiếng ngồi “bó giò” trong những hàng ghế, cạnh những phuy xăng, phông màn phục trang, đồ ăn thức đựng hậu cần… làm thành bức tường ngăn đôi nam và nữ. Vừa đi vừa hát, lúc trò chuyện nghệ thuật, lúc mệt mỏi ngả lưng với tinh thần nguyên vẹn của những ngày còn kháng chiến… Nhạc cụ cũ và thiếu, ánh sáng âm thanh còn sơ sài, không có loa cho ghi ta bas, phải mượn loa phóng thanh của chiếu bóng vậy mà Đoàn đã đem lại những giờ phút hạnh phúc cho nhân dân nhiều vùng miền, công ấy của cả Đoàn mà cũng là công của người chỉ huy- Nhạc sĩ Trịnh Lộc.

(Nhà báo Quỳnh Châu)

 


 

NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM
Trụ sở 1 :
Địa chỉ : 58 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội.
 
Điện thoại : 04 3823 2369 - Hotline : 096.392.3131
 
Trụ sở 2 :
Địa chỉ : 16 Lê Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
 
Điện thoại : 04 3938 1173 - Hotline : 0972 030 420