Đẹp trai, thường có vẻ mặt đăm chiêu, tư lự. Mê đọc sách, dáng dấp phảng phất Chánh Tín tài tử Xi- nê. Ca sĩ, NSƯT Quang Huy cũng đi từ vùng mỏ bước tới sân khấu ca nhạc như NSND Quang Thọ nhưng không xuất thân từ thợ mỏ mà từ một học viên khoa địa chất năm thứ nhất của Trường mỏ địa chất, Tổng cục địa chất.
Những năm tháng chiến tranh, NSƯT Quang Huy đã có mặt thường xuyên để biểu diễn cho các chiến sĩ bên Vụ phòng không, bên mâm pháo và chứng kiến những cuộc đọ sức nảy lửa đất đồi không giữa pháo ta với máy bay địch. Khi ấy, giọng hát trầm ấm và đĩnh đạc của Quang Huy thường vút lên “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương) hay “Hành khúc ngày và đêm” (Phan Huỳnh Điểu- thơ Bùi Công Minh) và giữa những giai điệu cháy bỏng ấy chợt dung dị một tiếng cười sảng khoái qua “Hát mừng các cụ dân quân” (Đỗ Nhuận) khiến lính ta hết sức thích thú.
Vào những năm sau thống nhất, giọng hát NSƯT Quang Huy có thêm những lắng đọng, suy tưởng, ngẵm ngợi khi tuổi đời đã trải từng. Có lúc, nghe NSƯT Quang Huy da diết “Đất nước tôi! Đất nước tôi! Đất nước tôi- từ thuở còn nằm nôi- sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa” có cảm giác như Anh đang tâm sự cùng ta một điều gì rất bức bối, rất nhức nhối, một cảm quan thời đại đòi đổi mới, đòi cải tổ.
Sau khi đi Ba Lan bồi dưỡng, tập huấn về nhạc nhẹ cùng các ca sĩ của Đoàn ca múa Nhạc nhẹ, NSƯT Quang Huy đã trở về và đoạt Giải nhất trong Cuộc thi Đơn ca toàn quốc 1982 với “Tiếng đàn Ba la lai ca trên Sông Đà” của An Thuyên (phỏng thơ Quang Huy) và bài hát Nga “Lòng chung thủy của con thiên nga”.
Trong liên hoan “Quả táo Vàng” tại Ama ata (Liên Xô cũ) 1989, NSƯT Quang Huy đã cùng Đoàn ca múa nhạc nhẹ Trung ương giành Giải Ba với nửa tiếng trình diễn mà trong thời lượng đó, chủ yếu là giọng ca của Anh xen giữa những tốp ca.
Có lẽ trong những ca sĩ cùng thời ở Đoàn ca múa Nhạc nhẹ Trung ương, NSƯT Quang Huy đã trụ bám lâu hơn cả. Anh trở thành “lão tướng” trong đội ca của Nhà hát nhạc nhẹ Trung ương suốt bao năm qua. Nghệ thuật là sự nối tiếp các thế hệ. Những giữa những thế hệ đó, không thể thiếu được những người chuyển giao cụ thể. NSƯT Quang Huy đã đảm nhận một cách tự nhiên trọng trách ấy. Các chương trình Chính ca của Nhà hát làm sao thiếu được sự hiện diện của NSƯT Quang Huy từng trải như một chỗ dựa vững chắc, nơi truyền lửa cảm xúc tác phẩm tới lớp trẻ, những tác phẩm vượt qua thời gian từ thời máu lửa.
(Nhà báo Anh Vũ)