Là thợ mỏ chính cống, 40 năm trước, chàng ca sĩ nghiệp dư vùng mỏ đã bước vào Hội diễn với bài hát “Nhịp máy khoan” của Trọng Bằng. Giải thưởng hội diễn đã đưa NSND Quang Thọ tới bậc thềm khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội và không lâu, sau những Trung Kiên, Quý Dương, Trần Hiếu, gia đình những người nghệ sĩ hát Belcanto ít ỏi lại đón thêm vào mình một thành viên mới- ca sĩ giọng nam trung Quang Thọ.
Có một đêm, trong chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, người nghe đã thật không thể cầm lòng được khi giọng hát hào sảng của NSND Quang Thọ cất cao “Ta tự hào đi lên ôi! Việt Nam” với sự thể hiện phần đệm tinh tế của Phạm Ngọc Khôi, giọng hát hôn hậu của NSND Quang Thọ như được chắp cánh và bay bổng.
Là thợ mỏ chính cống, 40 năm trước, chàng ca sĩ nghiệp dư vùng mỏ đã bước vào Hội diễn với bài hát “Nhịp máy khoan” của Trọng Bằng. Giải thưởng hội diễn đã đưa NSND Quang Thọ tới bậc thềm khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội.Và không lâu, sau những Trung Kiên, Quý Dương, Trần Hiếu, gia đình những người nghệ sĩ hát Belcanto ít ỏi lại đón thêm vào mình một thành viên mới- ca sĩ giọng nam trung NSND Quang Thọ.
Trở thành ca sĩ đầy triển vọng, NSND Quang Thọ đã trả nghĩa cho xứ sở “vàng đen” của mình bằng việc hát đầy ấn tượng “Những ngôi sao ca đêm” (Phạm Tuyên) và đặc biệt là “Tôi là người thợ lò” (Hoàng Vân). Dù trước anh Trần Khanh và cùng thời anh Hữu Nội, NSND Quang Thọ vẫn hát giai điệu trường ca này thật máu thịt, thật nồng thắm bởi anh đã từng chìm đắm trong những người thợ khai thác “cánh rừng hóa thạch” ở đây miệt mài suốt tuổi thơ.
Hát những bài hát thời chống Mỹ là hát cảm xúc của thế hệ mình. NSND Quang Thọ với thế hào sảng từ “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” (Hoàng Hà), “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Bác” (Cao Việt Bách- Đăng Trung) và đặc biệt là “Lá đỏ” (Hoàng Hiệp- thơ Nguyễn Đình Thi).
Những năm đầu hòa bình rồi chiến tranh biên giới, NSND Quang Thọ cùng anh em Đoàn ca múa Nhạc nhẹ của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam lang thang biểu diễn khắp mọi miền trên đất nước bằng lòng nhiệt thành. Có một đêm vùng biên giới khi NSND Quang Thọ ấm áp “Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào cao hơn” tiếng vỗ tay đã rộn lên trong ánh mắt long lanh của những người dân miền phiên dậu đất nước gian nan và dũng cảm.
Năm 1987, khi Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ Trung ương vừa tròn 1 tuổi, đang gặt hái thành công trong chuyến lưu diễn xuyên Việt thì NSND Quang Thọ đoạt Giải nhì Cuộc thi hát Quốc tế tại Mông Cổ. Thời đổi mới, con người đã được hát lại những giai điệu trữ tình xa xưa, NSND Quang Thọ lại sáng láng trên những cung bậc của “Đêm đông” (Nguyễn Văn Thương), “Thu quyến rũ” (Đoàn Chuẩn), “Biệt ly” (Doãn Mẫn) những ngày cùng Lê Dung lưu diễn ở Paris đã đem lại cho NSND Quang Thọ nhiều niềm vui và tự hào. Bên cạnh đó, NSND Quang Thọ vẫn độc chiếm những “Tình ca” (Hoàng Việt), “Trường ca Sông Lô” (Văn Cao) từ nhiều năm nay.
Rời Đoàn về Nhạc viện và trở thành Trưởng khoa Thanh nhạc với danh hiệu NSND, NSND Quang Thọ đã đem vinh quang cho cả giới ca sĩ khi được trung cử Ủy viên Ban chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa VII.
(Nhà báo Hải Hà)